Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu Lý Lịch Tư Pháp gồm có 02 loại: Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 và Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2. Thời gian qua, do chưa hiểu quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp nên một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và cả một số cơ quan, tổ chức trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 khi làm hồ sơ xin thị thực nhập cảnh hoặc xin việc làm. Yêu cầu này là không đúng tinh thần của Luật Lý Lịch Tư Pháp và gây bất lợi cho công dân. Đây cũng là một trong những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Luật Lý Lịch Tư Pháp trong hơn 07 năm qua.
Cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 gây ra nhiều vướng mắc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 trong thực tế.
Chúng tôi cung cấp dịch vụ làm phiếu lý lịch tư pháp không thư ủy quyền và vắng mặt cho người Việt Nam và Người Việt đang sống ở nước ngoài.
Theo quy định Luật Lý Lịch Tư Pháp quy định cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2. Đồng thời, Luật Lý Lịch Tư Pháp cũng quy định rõ mục đích cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 cho cá nhân là để người đó biết được nội dung về Lý Lịch Tư Pháp của mình. Như vậy, khác với Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 (cá nhân được phép ủy quyền cho người khác), Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 được cấp cho cá nhân bị giới hạn bởi mục đích cấp. Mục đích cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 cho cá nhân trong Luật Lý Lịch Tư Pháp chỉ nhằm cho cá nhân biết được cơ quan Lý Lịch Tư Pháp đang quản lý những thông tin Lý Lịch Tư Pháp nào của mình, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp lý trong đời sống xã hội.
- NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH
Thực tế cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn, xuất khẩu lao động… tại các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Niu Di-lân…không phải xuất phát từ mục đích muốn biết về nội dung Lý Lịch Tư Pháp của mình (theo quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp).
Thông tin về tình trạng án tích trong Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 là một trong những căn cứ để cơ quan đại diện ngoại giao xem xét, quyết định cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam. Trong khi đó, trước thời điểm này, các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước này vẫn tiếp nhận và sử dụng Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 của cá nhân khi xem xét, giải quyết cấp thị thực nhập cảnh. Ngoài ra, có một số ít trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 để làm các thủ tục tại một số cơ quan, tổ chức trong nước.
Việc công dân Việt Nam phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 để làm các thủ tục liên quan đến cấp thị thực nhập cảnh theo yêu cầu một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam là không đúng mục đích cấp Phiếu theo quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp (Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 được cấp cho cá nhân chỉ để người đó biết được nội dung về Lý Lịch Tư Pháp của mình). Hơn nữa, việc cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 cho cá nhân đã gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí, thời gian, thủ tục trong việc hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp cho công dân Việt Nam đang sinh sống nước ngoài do trước đây họ phải trực tiếp về Việt Nam để làm thủ tục do pháp luật không cho phép ủy quyền cho người khác. Theo phản ánh của công dân, khi Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân như khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng, đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…. đặc biệt là những người đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích. Một số trường hợp công dân Việt Nam đã bị từ chối cấp thị thực do đã từng bị kết án mặc dù án tích đó đã được xóa từ trước đó rất lâu.
Theo quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp, một trong các mục đích và nguyên tắc quản lý Lý Lịch Tư Pháp là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng và bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân. Tuy nhiên, mục đích nhân đạo này sẽ bị ảnh hưởng khi mà ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền được cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân phải nộp loại Phiếu này khi thực hiện các giao dịch, thủ tục tại các cơ quan, tổ chức. Thực trạng này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm tôn trọng bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
Hơn nữa, quy định hiện hành của Luật Lý Lịch Tư Pháp về việc có 02 loại Phiếu Lý Lịch Tư Pháp cấp cho cá nhân (số 1 và số 2) cũng gây khó khăn, lúng túng cho người dân trong việc phải xác định loại Phiếu cần sử dụng khi làm thủ tục yêu cầu cầu cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp, rất nhiều trường hợp cá nhân đã yêu cầu cấp Phiếu số 1 sau đó đổi lại Phiếu số 2 hoặc ngược lại.
- MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp về cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2, nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tạo điều kiện cho những người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, tác giả có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, cơ quan, tổ chức hiểu biết đúng về ý nghĩa và mục đích sử dụng của Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2, đặc biệt là các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đang yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 để các cơ quan này cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam thống nhất thực hiện đúng quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp. Thay vì yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2, đề nghị các cơ quan, tổ chức yêu cầu cá nhân nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 – loại Phiếu cấp cho cá nhân để phục vụ các nhu cầu về nhập cảnh, kết hôn, xin việc làm, du học, bổ sung hồ sơ định cư ở nước ngoài….
Thứ hai, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 theo hướng thống nhất chỉ có 01 loại Phiếu Lý Lịch Tư Pháp cấp cho cá nhân – là loại Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 đang được cấp và sử dụng theo quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp năm 2009. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý Lý Lịch Tư Pháp trong cung cấp thông tin Lý Lịch Tư Pháp (tương tự như nội dung thông tin trong Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 nhưng dưới dạng Văn bản cung cấp thông tin) cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cho một số cơ quan nhà nước nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan này mà theo quy định của pháp luật phải có thông tin Lý Lịch Tư Pháp.
Có ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 cho cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam khi muốn nhập cảnh, định cư, học tập, làm việc tại nước có yêu cầu cung cấp loại Phiếu này. Cơ quan nhà nước cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 theo yêu cầu của cá nhân còn sử dụng vào việc gì là do cá nhân quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định này.
Về vấn đề này, tác giả cho rằng, Luật Lý Lịch Tư Pháp đã quy định Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 được cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về Lý Lịch Tư Pháp của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài đã lạm dụng quy định này của Luật Lý Lịch Tư Pháp, yêu cầu công dân phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 khi hoàn thiện hồ sơ xin thị thực nhập cảnh hoặc một số thủ tục tại cơ quan đại diện. Việc các cơ quan đại điện ngoại giao của nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp sử dụng Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2 của cá nhân là không phù hợp với quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp về mục đích sử dụng Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 2. Điều này cũng không phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam về xóa án tích. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người được xóa án tích coi như chưa bị kết án[5]. Sau khi đã được xóa án tích, các giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu.
Việc quy định chỉ có 01 loại Phiếu Lý Lịch Tư Pháp cấp cho cá nhân cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại một số nước cũng có quy định về 02-03 loại Phiếu Lý Lịch Tư Pháp tùy vào từng chủ thể yêu cầu (là cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân) và tùy theo mục đích sử dụng, nhưng thông thường chỉ có 01 loại Phiếu cấp cho cá nhân, trong đó có các thông tin tương tự như Phiếu Lý Lịch Tư Pháp số 1 theo quy định của Luật Lý Lịch Tư Pháp năm 2009– chỉ ghi những án tích chưa được xóa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa giấy tờ trong hồ sơ, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu, áp dụng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp thuận tiện hơn như cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký trực tuyến nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.